SO SÁNH HAI CÔNG NGHỆ VR VÀ AR

* Công nghệ thực tế ảo VR là gì?

VR là cụm từ viết tắt của Virtual Reality – Thực tế ảo và chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm cho mình kính thực tế ảo VR trên thị trường hiện nay như Samsung Gear VR, Google Cardboard,… Người dùng sẽ được trải nghiệm một thế giới ảo trong game, phim 3D mới lạ, khác hoàn toàn. Khi người dùng sử dụng kính thực tế ảo, bạn gần như lạc mình với thế giới ảo do toàn bộ tầm nhìn đều được bao phủ bởi thiết bị. Tất cả đều là những khung cảnh ảo được tạo nên từ máy tính hoặc điện thoại.

* Thực tế tăng cường AR là gì?

AR là chữ viết tắt của Augmented Reality – Tương tác ảo. Công nghệ thực tế tăng cường AR là sự kết hợp của thế giới thật với thông tin ảo, chứ không hề tách riêng biệt giữa thế giới ảo và thực như VR. Công nghệ AR sẽ bổ sung những chi tiết ảo được tạo bởi máy tính, smartphone vào thế giới thực để tăng cường sự trải nghiệm. Người dùng có thể thoải mái tương tác với những nội dung ảo ngay trong đời thực, như chạm vào, tóm lấy,… Điển hình trò chơi Pokemon Go là một minh chứng rõ nhất.

Microsoft HoloLens là cái tên nổi nhất trong giới AR. Dựa trên những đặc điểm chính của AR, người dùng sẽ vẫn thấy được mọi điều đang diễn ra trong thế giới thực, khi dựng nên các ảnh ảo 3D rồi phủ lên mọi vật thể thực tế ngoài đời mà bạn vẫn có thể tương tác được với chúng.

* So sánh giữa hai công nghệ VR và AR:

  • Những điểm giống nhau:

Cả hai công nghệ VR và AR đều được xây dựng với mục đích ứng dụng đồ họa công nghệ ảo để phục vụ nhu cầu trong đời sống. Những cấu trúc đồ họa ảo sẽ được dựng nên để thay thế cho phiên bản đời thực khó tiếp cận, xây dựng và chế tạo. Chính vì vậy mà con người sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và một lượng nhân công đáng kể cho những công việc thiết kế và thi công.

  • Những điểm khác nhau:

    • Bản chất:

– VR là công nghệ đưa con người vào một không gian ảo với tất cả vật thể trong đó là cấu trúc đồ họa.

– AR là đưa các vật thể ảo đặt vào không gian thực tế.

    • Mục đích:

– VR đưa con người vào một thế giới ảo và cho chúng ta khả năng tương tác với những vật thế trong thế giới đó. Điều này giúp con người có thể trải nghiệm được những không gian bất khả thi ngoài đời thực như khám phá đáy biển, tham quan bề mặt Mặt trăng. Ngoại trừ một số yếu tố trợ giúp khiến trải nghiệm thực hơn như địa hình giả lập,… thì toàn bộ môi trường xung quanh người sử dụng đều là ảo.

– AR đưa một vật thể hay cấu trúc ảo vào không gian thực tạo nên một trải nghiệm hỗn hợp giữa thực và ảo. Người dùng có thể hoàn toàn tương tác được với các vật thể ảo này trong môi trường thực tế mà chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh.

    • Ứng dụng:

– AR được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật và mua sắm trực tuyến thông minh. Các vật thể ảo được xây dựng nhanh chóng, giá rẻ hơn rất nhiều so với thực tế. Chính vì vậy mà bạn có thể xem xét, đo đạc các cấu trúc trong đời thực mà không cần phải trực tiếp xây dựng chúng.

– Khả năng mô phỏng môi trường giúp VR có giá trị rất lớn trong lĩnh vực giải trí giáo dục. Những tựa game nhập vai được xây dựng trong môi trường VR sẽ phá tan đi khoảng cách giữa người chơi và nhân vật khi chính người chơi sẽ tự mình trải nghiệm toàn bộ cốt truyện. Tự do bay bổng trong vũ trụ, khám phá đáy đại dương xa xôi,… và vô vàn hành động thú vị khác người chơi đều sẽ được trải nghiệm thông qua VR. Mục đích giáo dục cũng được thực hiện rất tốt khi VR có thể giúp học viên trải nghiệm được những tình huống khác nhau mà không cần thực sự xây dựng nó ngoài đời thực.