Công nghệ thực tế ảo – Virtual Reality là gì?
Thực tế ảo
Thực tế ảo trong tiếng Anh là Virtual Reality, viết tắt là VR.
Thực tế ảo (VR) nói đến những mô phỏng do máy tính tạo ra, trong đó một người có thể tương tác trong môi trường 3 chiều (3D) bằng các thiết bị điện tử đặc biệt, chẳng hạn như kính mắt đặc biệt có màn hình hoặc găng tay có gắn cảm biến.
Trong môi trường nhân tạo mô phỏng, người dùng có thể trải nghiệm các tạo tác và các hành động khác nhau như trong thế giới thực.
Chúng ta cảm nhận thế giới xung quanh thông qua các giác quan và cơ chế nhận thức của cơ thể. Các giác quan bao gồm vị giác, xúc giác, khứu giác, thị giác và thính giác, các yếu tố đầu vào được thu thập bởi các giác quan đó, rồi được xử lí bởi bộ não để đưa ra những diễn giải.
Thực tế ảo cố gắng tạo ra một môi trường ảo tưởng có thể biểu thị cho các giác quan của chúng ta bằng thông tin nhân tạo, khiến cho chúng ta tin rằng nó (gần như) là thực.
Ứng dụng thực tế của VR
Ứng dụng trong đào tạo bác sĩ
Ứng dụng mô phỏng trong môi trường VR giúp đào tạo các chuyên gia y tế bằng cách đưa họ vào các tình huống khó khăn, như mô phỏng lại một trường hợp bệnh nhân bị thương nghiêm trọng và họ phải giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa.
Mặc dù chưa thể tái hiện lại mức độ căng thẳng của một ca điều trị thực tế, nhưng vẫn khiến các bác sĩ thực tập thích thú và đam mê công việc của mình hơn nhờ mô phỏng một cách chi tiết các thủ tục khó khăn mà họ phải đối mặt trong thế giới thực.
Ứng dụng trong quân sự
Gỡ một quả bom sẽ khó khăn hơn nhiều khi các đội tuần tra của đối phương liên tục kiểm soát xung quanh. Băng vết thương có thể là một thao tác đơn giản, nhưng chúng hoàn toàn không dễ dàng khi đang giữa những làn đạn và khói bụi khắp nơi của chiến trường.
Đây là những tình huống mà công nghệ thực tế ảo có thể tái hiện trong các đợt huấn luyện quân sự, giúp mang đến những trải nghiệm mà phương pháp đào tạo thông thường không thể thực hiện được.
Thiết kế xe hơi
Nhiều nhà sản xuất xe hơi từ lâu đã sử dụng các phòng thí nghiệm tái hiện bằng VR nhằm cho phép các nhân viên trải nghiệm một chiếc xe hơi trước khi nó được chế tạo. Từ đây, họ có thể nhìn một cách chi tiết từng bộ phận trên xe và thậm chí cho phép người dùng đánh giá chúng, để rồi nhận được phản hồi từ trước khi mẫu xe được chế tạo.
Bằng phương pháp này, họ có thể cập nhật thiết kế của họ nhanh hơn bao giờ hết để phù hợp với xu thế chung.
Làm giảm cơn đau không cần thuốc
Phục hồi chức năng là một quá trình gây đau đớn, mà ngay cả thuốc giảm đau cũng không mang lại hiệu quả mong đợi. Tuy nhiên nhiều thử nghiệm chỉ ra rằng chơi một trò chơi vui nhộn trong quá trình điều trị lại khiến các bệnh nhân cảm thấy bớt đau đớn hơn. Bên cạnh đó, ứng dụng VR còn mang lại những ứng dụng không ngờ đối với điều trị chứng rối loạn tâm lý, căng thẳng sau chấn thương.
Giáo dục
Giáo dục cũng là một ứng dụng vô cùng tiềm năng của công nghệ VR, khi cho phép các học sinh được tham quan các công trình cổ đại trong giờ lịch sử, tham gia các buổi thực tập giải phẫu cơ thể trong giờ sinh học, hay truyền cảm hứng bằng các hiện tượng kỳ thú trong thiên nhiên – điều mà có lẽ sách vở chẳng bao giờ làm được.
Phòng thí nghiệm ảo
Thám hiểm không gian
Luôn luôn đi đầu trong các công nghệ hiện đại, không có nhiều bất ngờ khi Phòng thí nghiệm Phản lực Động học của NASA đang sử dụng VR để mô phỏng lại quá trình thăm dò thực tế vũ trụ, giúp các nhà khoa học có được cái nhìn tổng quát hơn về thiên hà của chúng ta như vị trí các chòm sao, kích thước chính xác của một vật thể,…
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ mô phỏng, NASA thậm chí đã bắt đầu sử dụng công nghệ VR như Oculus Rift và Xbox Kinect để điều khiển trực tiếp một robot ngoài vũ trụ vào những năm 2013, dù hình ảnh được truyền từ vũ trụ tới Trái Đất có thể chậm trễ trong nhiều phút.